Đăng Ký Học
Ngày 05/01/2025 11:05:38, lượt xem: 75
Đề bài: Phân tích đoạn trích dưới đây:
VUA LIA
(Trích)
Sếch-xpia
(Tóm tắt đoạn trước: Vua Lia tuổi già sức yếu muốn từ bỏ việc Triều đình, chia vương quốc cho ba người con gái (Gô-nơ-rin, Rê-gan và Coóc-đê-li-a) làm của hồi môn. Để quyết định việc phân chia, nhà vua hỏi các con gái xem ai là người yêu mình nhất.)
Lia: Bây giờ ta đã muốn nói ra những điều bấy lâu nay ta giữ kín. Truyền lấy bản đồ! Đây, ta đã chia đất nước làm ba phần. Ta quyết định cất khỏi tuổi già này bao nỗi lo toan cùng công việc nước, đem gánh nặng đặt lên sức vóc trẻ trung hơn, để cho ta được thênh thang bước vào cõi thọ… Vậy, ta hỏi các con gái của ta, ngày nay ta đã từ thoái mọi phần: quyền lợi, đất đai, cũng như quan tâm việc nước; vậy thì trong các con, kẻ yêu ta nhất là ai, để cho ân trạch của ta biết mưa đổ xuống tấm lòng thảo nào là nơi xứng đáng nhất. Gô-nơ-rin, công chúa đầu lòng của ta, cho con nói trước.
Gô-nơ-rin: Thưa phụ vương, lòng con yêu phụ vương thật không lời nào tả xiết, con yêu phụ vương thiết tha hơn cả yêu ánh sáng, yêu vũ trụ, yêu tự do; yêu trên hết mọi vật quý giá nhất đời; yêu như yêu sự sống đầy duyên, đầy sức, đầy nhan sắc, đầy vinh quang; yêu như chưa có con yêu cha nào bằng, yêu như chưa có cha nào được con yêu đến thế; yêu tới mức không còn hơi sức nữa và yêu tới độ lời lẽ hóa nghèo nàn; con yêu cha thực sự vượt qua mọi bờ bến.
Cooc-đê-li-a (nói riêng): Cooc-đê-li-a thì sao đây? Yêu mà im tiếng!
Lia: Cả cõi đất đai này, từ đây đến đấy, với bao nhiêu rừng cây bóng cả và đồng ruộng phì nhiêu, với bao nhiêu sông cá đầy nguồn cùng bãi bờ bát ngát, ta cho con làm nữ chủ. Đó là sở hữu của con và An-ba-ni, truyền cho con cháu đời đời. Nào, đến thứ nữ của ta thì nói sao? Rê-gan, con rất yêu quý của ta, vợ của Cooc-nơ-uôn, con nói đi.
Rê-gan: Con với chị con đều đúc nên cùng một chất và so với chị, con biết mình con nào có kém chị? Nghe trong trái tim chân thật của con, con thấy lời chị con vừa thốt ra chính là tiếng lòng của con yêu kính đó; có điều lời ấy còn xa mới đạt tới độ nồng nàn. Con nói thực, con thù ghét mọi sinh thú ở đời, duy nhất chỉ thấy được hạnh phúc trong tấm tình con yêu đức phụ vương rất tôn kính.
Cooc-đê-li-a (nói riêng): Hẩm hiu thay cho Cooc-đê-li-a này! Không! Đâu đến nỗi vậy? Tình ta dào dạt còn phong phú hơn lời lẽ ta nhiều?
Lia: Thuộc về con và dòng dõi của con hưởng thụ đời đời là cả một phần ba phong tục đất nước đẹp tươi này, cũng rộng lớn, cũng hữu tình chẳng kém chi phần dành cho Gô-nơ-rin. Còn bây giờ, nào hòn ngọc báu rất nâng niu tuy út ít của ta, trang thục nữ thanh tân mà cả vườn nho nước Pháp và cả đồng cỏ sữa Bớc-gơ-đin đang cùng ganh nhau để chiếm được trái tim: con nói sao đây để đáng được hưởng phần ba đất nước còn trù phú hơn phần của hai chị con? Con nói đi.
Cooc-đê-li-a: Thưa phụ vương, con chẳng có gì đáng nói.
Lia: Chẳng có gì?
Cooc-đê-li-a: Con chẳng có gì.
Lia: Con chẳng nói gì thì chẳng được gì hết. Nói đi nào!
Cooc-đê-lia-a: Tội thay cho con! Trái tim con, con không sao nâng nó lên đầu lưỡi được. Con yêu cha đúng theo đạo nghĩa kẻ làm con. Vậy đó thôi, không hơn không kém.
Lia: Thế nào, thế nào? Cooc-đê-li-a? Con nên lựa lại lời mà nói, kẻo nữa con sẽ phải thiệt thòi nhiều!
Cooc-đê-li-a: Thưa phụ vương của con, phụ vương đã sinh ra con, nuôi nấng con, thương yêu con; nghĩa nặng đó con xin đền đáp lại cho phải đạo; con vâng lời cha, yêu quý cha và hơn nữa, làm rỡ ràng công đức phụ vương. Hai chị con nói là yêu cha đến trọn hết cả tấm tình yêu; nếu thực thế thì sao hai chị lại đi lấy chồng? Một ngày kia mà con lấy chồng, thì vị phu tướng nào đưa tay ra đón lấy tâm nguyện của con cũng sẽ đón theo về phần nửa tấm tình con, phần nửa công phụng dưỡng với phần nửa bổn phận của con. Chắc chắn là con phải đừng lấy chồng như hai chị con mới có thể toàn tâm toàn ý dâng trọn tình con cho cha con được.
Lia: Cô nói đúng theo lòng cô đấy chứ?
Cooc-đê-li-a: Thưa phụ vương, vâng.
Lia: Ít tuổi thế mà đã vô tình đến thế sao?
Cooc-đê-li-a: Thưa phụ vương, ít tuổi thế nhưng mà chân thực.
Lia: Được lắm. Đem cái chân thực ấy đi mà làm của hồi môn. Vì rằng thề với ánh sáng thần thiêng mặt trời, thề với bầu bí mật của Hê-cát và của trời đêm, thề với các tinh cầu có quyền năng cho ta cuộc sống hay phải chết: tại đây, ta gạt bỏ hẳn mọi ân tình phụ tử, mọi quan hệ huyết mạch tông môn và từ đây ta coi mi vĩnh viễn là người dưng; đối với ta không vương, không bận. Đối với cái giống man rợ phải ăn thịt con mới đủ thỏa mãn cơn thèm lòng ta gớm chết như thế nào thì đối với mi, lòng ta cũng thế, hỡi kẻ trước đây đã từng là con gái của ta.
(In trong Tuyển tập kịch Sechxpia, NXB Sân khấu, 1995)
BÀI LÀM
“Vua Lia” là một trong những tác phẩm kịch nổi tiếng của thiên tài Sếch-xpia. Tác phẩm khắc họa mối bi kịch của sự lựa chọn, của một kẻ chỉ ưa những lời dối gian, nịnh nọt - vua Lia. Trích đoạn kịch trên đây có thể xem như mở đầu của mọi bi kịch của đức vua.
Vở kịch bắt đầu bằng câu chuyện vua Lia tuổi già sức yếu muốn từ bỏ việc triều đình, chia vương quốc cho ba người con gái làm của hồi môn. Để quyết định việc phân chia, đức vua đã hỏi các con gái xem ai là người yêu mình nhất. Hai người con gái lớn là Gô-nơ-rin và Rê-gan lần lượt bày tỏ tình cảm bằng những lời hoa mĩ, khoa trương và nhận được phần thưởng xứng đáng. Đến lượt con gái út Cooc-đê-li-a, lòng nàng không thể nói thành lời. Nàng chỉ có thể nói với vua cha, rằng: “Con yêu cha theo đúng đạo nghĩa của kẻ làm con”. Nhưng đức vua lại xem đó như một sự vô tâm với cha. Vua cho con gái nói lại, nhưng nàng Cooc-đê-li-a cũng không thể nói gì hơn. Vua tức giận đem phần của nàng chia cho hai chị, và đuổi nàng đi. Sau đó, Cooc-đe-li-a lấy vua Pháp, người cảm phục đức hạnh của nàng. Hai người con gái lớn sau khi lấy được mọi quyền hành lại xem cha như một ông già lẩm cẩm, bất bình thường và dần thay đổi thái độ với vua cha. Cuối cùng, họ con ruồng bỏ đức vua. Vua Lia phẫn uất, hóa điên và ra đi trong một đêm dông bão… Đoạn trích trên là mở đầu của mọi bi kịch, diễn lại cảnh vua Lia yêu cầu các con đến bày tỏ tình yêu với cha để chia tài sản.
Trong lớp kịch này, có sự xuất hiện của vua Lia và ba người con gái: Gô-nơ-rin, Rê-gan và Cooc-đê-li-a. Bốn nhân vật này tạo nên ấn tượng rõ nét về hai kiểu người: kiểu nịnh nọt, giả dối và ưa nịnh nọt như vua Lia và hai người con gái lớn; kiểu chân thành, thực thà như cô con gái út. Việc xây dựng hai kiểu nhân vật đối lập nhau như vậy đã phần nào thể hiện tư tưởng của tác giả. Khởi nguồn của mọi bi kịch chính là thói ưa nịnh, thích những thứ hoa mĩ mà không nhận ra tình yêu chân thành của vua Lia. Góp phần tạo nên bi kịch đó lại là hai cô con gái lớn rất khéo nịnh. Hai cô bày tỏ tình yêu bằng tất cả những gì to lớn, vĩ đại nhất, và rằng vua cha là tất cả trọn vẹn tình yêu với họ. Rõ ràng, thứ tình cảm này quá khoa trương. Hai cô chị chỉ nói về việc mình yêu cha bằng đất bằng trời, lại không đề cập đến nghĩa vụ của người làm con với cha mình. Nhưng đức vua ưa những lời như thế, lấy làm hài lòng lắm và cho họ rất nhiều của cải. Đối lập với sự hoa mĩ ấy, lời nói của cô út lại quá đỗi giản dị, nhà vua thấy như vậy là chưa tôn trọng mình.
"Kịch, bi kịch, hài kịch là thể loại khó nhất trong văn học, khó là vì một vở kịch đòi hỏi mỗi nhân vật trong vở kịch phải thể hiện tính cách bằng lời nói và hành động không có lời mách bảo, gợi ý của tác giả. Các nhân vật kịch được hình thành là do lời lẽ của họ và tuyệt đối chỉ do những lời lẽ ấy mà thôi nghĩa là tác giả xây dựng nhân vật bằng ngôn ngữ hội thoại chứ không phải bằng ngôn ngữ miêu tả" (M. Gorki). Quả thực, để thấy được đặc điểm của nhân vật chỉ trong một lớp kịch rất ngắn, không thể không quan tâm đến lời thoại và ngôn ngữ kịch. Trong lớp kịch trên, bên cạnh những đoạn đối thoại của đức vua với ba người con gái, ta còn ấn tượng bởi những câu độc thoại của nhân vật Cooc-đê-li-a. Chỉ mấy câu ngắn ngủi nhưng ta đã thấy được tình yêu của nàng với vua cha: “Hẩm hiu thay cho Cooc-đê-li-a này! Không! Đâu đến nỗi vậy? Tình ta dào dạt còn phong phú hơn lời lẽ ta nhiều?”, nàng thấy tủi phận mình vì kính trọng và yêu thương cha nhưng không thể nói ra được thành lời như các chị. Từ lời độc thoại của nàng, ta thấy được sự chân thành và giản dị trong nội tâm của cô công chúa rất đức hạnh. Điều này đối lập hoàn toàn với người cha mà nàng kính yêu và hai người chị của nàng. Qua ngôn ngữ đối thoại, vẻ giả tạo của hai cô chị và sự phù phiếm của vua Lia được bộc lộ rất rõ nét, từ đó, tác giả cũng bày tỏ phần nào sự phê phán của bản thân trước những thứ giả tạo ấy.
Tiếp theo đó là việc xây dựng xung đột kịch. Xung đột kịch nảy sinh từ mâu thuẫn giữa một bên là tình cảm giản dị mà chân thành với một bên là những lời lẽ hoa mĩ giả tạo. Nó thể hiện từ trong chính bản thân nhân vật Cooc-đê-li-a, “Trái tim con, con không sao nâng nó lên đầu lưỡi được”, tình cảm của nàng tha thiết chân thành, nàng không thể biến nó thành những lời khoa trương, giả tạo như hai chị nàng. Mâu thuẫn còn thể hiện ở cuộc đối thoại khi chia tài sản, thể hiện ở sự khác biệt giữa Cooc-đê-li-a với Gô-nơ-rin và Rê-gan, giữa lời nói của Cooc-đê-li-a với mong muốn của vua Lia. Xung đột này đã tạo thành bi kịch. Bi kịch bị đẩy lên đến cao trào và kết thúc khi vua Lia từ mặt đứa con gái hết mực yêu thương mình, khiến cho Cooc-đê-li-a phải chịu tiếng là đứa con gái bất hiếu. Qua việc xây dựng xung đột kịch như thế, ta thấy được thái độ của tác giả. Tác giả đặt nàng Cooc-đê-li-a chân thành, thực thà vào giữa “sân khấu” của những thứ tình yêu giả tạo, để làm sáng lên vẻ đẹp tâm hồn nàng, làm nổi bật lên giá trị của tình yêu chân thành. Nhưng sự thất bại của cái chân thành ấy lại phản ánh một sự thật ác nghiệt, có đôi khi tình cảm tự tâm lại không thể chiến thắng được giữa một xã hội đã suy đồi về đạo đức, giữa những sự dối gian khắp nơi.
Bằng việc xây dựng nhân vật kịch tài tình, ngôn ngữ kịch khéo léo, với mâu thuẫn nổi bật, căn bản - mâu thuẫn giữa thật và giả- tác giả đã phản ánh lại một bức tranh hiện thực, đó là sự chết dần của những tình cảm chân thành khi xã hội dần dần suy tàn. Đặt trong bối cảnh xã hội châu Âu thế kỉ thứ VXII, khi chế độ phong kiến suy tàn, xã hội ẩn mình trong một sự bình yên giả tạo, có thể thấy được vấn đề lớn nhất lúc này là làm sao để cái thiện, cái thật được chiến thắng. Đó là bài học đặt ra cho mỗi người.
Văn chương là nhạc của đời, kịch lại là sự thể hiện rất chân thực và rất gần với đời sống. Do đó, từ những bài học đã đặt ra, vở kịch “Vua Lia” có thể vượt qua khỏi những định luật của thời gian, trường tồn giữa cuộc đời, như một hồi chuông nhắc nhở chúng ta về việc phân định giữa chân thực và giả dối.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học Văn vip lớp 9 - 2k10
- Khóa học Phương pháp và luyện đề lớp 9
Tin liên quan